Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Search in posts
Search in pages

Phốt Ỷ Vân Hiên chiếm dụng gối xếp truyền thống

Ỷ VÂN HIÊN CỐ GẮNG CHIẾM DỤNG GỐI XẾP TRUYỀN THỐNG?

Thưa cộng đồng,Thông qua một người bạn làm về sở hữu trí tuệ, gần đây tình cờ chúng tôi phát hiện ra chiếc gối xếp 5 chái truyền thống của Việt Nam đã được/bị đăng ký sở hữu trí tuệ dưới tên một tác giả là cá nhân, người này mang cái tên rất quen thuộc: Nguyễn Đức Lộc.

Chiếc gối truyền thống đã bị âm thầm đem đi đăng ký từ năm 2018 (20/4/2018) – trước khi cá nhân này thành lập Ỷ Vân Hiên chỉ khoảng 2 tuần (9/5/2018) – đây là một doanh nghiệp được cho là đi đầu trong phục dựng, tái hiện cổ phục. Loại sở hữu đăng ký trong đơn là “Kiểu dáng công nghiệp”, được chấp nhận đơn ngày 14/8/2018, được công bố trong Công báo Sở hữu công nghiệp số 366A của Cục Sở hữu Trí tuệ tháng 9/2018.-Như chúng ta đều biết, gối tựa 5 chái là sản phẩm được sử dụng trong đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam từ rất lâu, được ghi nhận, mô tả và minh họa trong nhiều tư liệu lịch sử ở dạng hình ảnh lẫn chữ viết. Tất cả những tư liệu này đều có từ trước thời điểm “tác giả” Nguyễn Đức Lộc đăng ký quyền sở hữu.

Ngay chính thông tin quảng cáo gối tựa do chính doanh nghiệp Ỷ Vân Hiên đăng tải (từ năm 2018 đến nay) còn liệt kê một loạt các tư liệu về gối xếp (còn gọi là gối tựa, quả tựa, “ẩn nang”, “ỷ đôn”) như: Hán Việt tân từ điển, Phủ Biên Tạp Lục, Khảo cứu Từ điển song ngữ Hán Việt “Nhật dụng thường đàm” của Phạm Đình Hổ, Kỹ thuật của người An Nam, v.v… (Hình 8) Trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, hình ảnh gối xếp dưới dạng gối vỗ cũng trở thành một hình tượng rất phổ biến.

Điều này cho thấy, đây là một sản phẩm dân tộc mang tính cộng đồng.Không những thế, sản phẩm gối xếp hiện nay còn được rất nhiều cá nhân già trẻ gái trai, các tổ chức phục dựng từ trước năm nộp đơn sở hữu (2018), từ trước cả khi cá nhân Nguyễn Đức Lộc và Ỷ Vân Hiên bán gối.

Cụ thể như: Đại nội Huế đã trưng bày gối 5 chái trong Triệu Tổ Miếu từ năm 2016 (Hình 9); Bạn Nguyễn Phúc Bảo Duy đã phục dựng và kinh doanh loại gối này tại An Giang muộn nhất từ năm 2017 (Hình 10); hoặc ngay chính Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên từ khi ra mắt năm 2018 cũng nhiều lần xác nhận với truyền thông rằng: kỹ thuật sản xuất gối của đơn vị này (cùng loại với chiếc gối trong đơn) được truyền dạy từ nghệ nhân Công Tôn Nữ Trí Huệ (98 tuổi) sống tại Huế (Hình 12), thậm chí còn trao giấy chứng nhận nội bộ cho mệ Trí Huệ để công nhận mệ là tác giả.

Thế nhưng ở trên đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, tác giả bỗng trở thành Nguyễn Đức Lộc?!Vậy phải chăng, trên các phương tiện báo chí – truyền thông và đối ngoại, “tác giả” đã tranh thủ được tư cách truyền dạy từ người nghệ nhân già, nhưng một mặt đi âm thầm đăng ký quyền sở hữu kiểu dáng gối tựa là của mình???

-Điểm đáng nói ở đây, Kiểu dáng công nghiệp (KDCN) là loại sở hữu gần như ít được biết đến nhất trong số các loại sở hữu công nghiệp nổi bật khác (nhãn hiệu, sáng chế, bí mật kinh doanh,…), nhưng thực chất có quyền lực rất khôn lường.

Chúng tôi đã tham khảo một số bạn bè là luật sư, rằng tại sao một cá nhân lại tính toán lựa chọn KDCN thay vì các sở hữu còn lại.Theo Luật Sở hữu Trí tuệ 2009, nếu như Sáng chế là bảo hộ một GIẢI PHÁP KỸ THUẬT (được quyết định bởi chức năng của sản phẩm), thì Kiểu dáng công nghiệp là bảo hộ HÌNH DẠNG của sản phẩm (không cần thẩm định về kỹ thuật, chức năng). Điều này có thể khóa hoàn toàn đầu ra tất cả các sản phẩm có hình dạng gối xếp 5 chái trên thị trường Việt Nam, bất kể người nghệ nhân tạo ra chúng theo bất kỳ cách thức nào, kể cả đó là mệ Trí Huệ – nếu không xin phép tác giả Nguyễn Đức Lộc (xem thêm Nghị định 105/2006/NĐ-CP).

Hơn nữa, các đơn đăng ký KDCN muộn hơn không được phép có sản phẩm giống, hoặc na ná đơn đã đăng ký. Đồng nghĩa với việc, tất cả những cá nhân/tổ chức muốn thực hiện phục dựng, quảng bá, thương mại hóa sản phẩm truyền thống này đều có thể bị đưa vào diện xâm phạm quyền đối với KDCN của “tác giả” Nguyễn Đức Lộc!!!

Đối với chúng tôi, đây là điều không thể chấp nhận được đối với một cá nhân, một đại diện của tổ chức luôn tự nhận là phục hồi các giá trị truyền thống. Bởi không ai có quyền mang danh phục dựng rồi quay sang nhận luôn di sản là của mình.

-Vậy bây giờ cần làm gì?Theo Luật Sở hữu Trí tuệ 2009, điều kiện để được bảo hộ KDCN phải đảm bảo bao gồm: tính mới; tính sáng tạo; có khả năng áp dụng công nghiệp.

– Về tính mới, chiếc gối trong đơn không “khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn”.

– Về tính sáng tạo, chúng tôi không cho rằng việc lấy vải Tàu ra may gối là tính sáng tạo của “tác giả” (chỉ cần search GG từ khóa “vải vân mây”, “vải gấm Thượng Hải” sẽ ra loại vải mà Ỷ Vân Hiên may gối), đơn giản vì hành động copy-paste nghiễm nhiên không thể coi là sáng tạo.

=> Xét về lý, đơn đăng ký bảo hộ này không đủ tiêu chuẩn được công nhận. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng không thể nắm được tất cả mọi thứ trên đời, và đó là lỗ hổng!

Chúng tôi không rõ tình trạng đăng ký KDCN của người nộp đơn kiêm “tác giả” Nguyễn Đức Lộc hiện đã đến bước xét duyệt nào, vì thực tế việc xét duyệt đơn của Cục Sở hữu Trí tuệ thường xuyên bị kéo dài (dù theo quy định, trong vòng 12 tháng kể từ khi đơn đăng ký được chấp nhận sẽ tự động được bảo hộ – nếu không có bất kỳ kiến nghị, phản đối nào từ cộng đồng).

Nhưng dù ở trạng thái nào thì chúng ta đều cần phản đối.Nếu thực sự cộng đồng cổ phong nói riêng và những người yêu văn hóa nói chung xác định được đây là vấn đề nghiêm trọng (và nghiêm trọng một cách âm thầm), thì cần nghĩ đến hệ lụy mà các cụ có câu “để lâu cứt trâu hóa bùn”

– có thể 50 năm nữa, gối xếp truyền thống sẽ là “gối tựa Nguyễn Đức Lộc”

-Hành động tư hữu hóa chiếc gối xếp không đơn thuần là thiếu hiểu biết, mà ngược lại, có tính toán – nó thể hiện ở bước cất công làm hồ sơ, nộp đơn, lựa chọn thời điểm, cho đến việc tính toán loại sở hữu công nghiệp có lợi nhất.

Cổ vũ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức hồi sinh, quảng bá di sản cha ông là điều mừng, nhưng vì cái cớ bản sắc để mà chấp nhận dung dưỡng những điều này thì thực lòng không đáng. Và chúng tôi cũng lo sợ rằng: Liệu còn chiếc đơn đăng ký nào tương tự như thế không? Rất có thể.

-Phong trào Cổ phong Việt Nam dù có phát triển, nhưng đang bước vào thời kỳ thật kỳ quặc: người ngoại quốc thì không ngừng nhận đồng văn hóa của ta, còn người trong nước thì cũng tranh thủ chiếm dụng luôn văn hóa nước nhà.

Đã đến lúc cần nhiều hơn những cá nhân đơn lẻ chia sẻ về vấn nạn này, rộng ra là truyền thông – báo chí, và cũng đến lúc thôi tâng bốc một cách vội vàng những hiện tượng lạ.

Tác giả: Lộc Thắng 

Đánh giá của bạn đọc

Vắng vẻ quá ... hãy để lại đánh giá đầu tiên!
* Bài viết được sửa đổi lần cuối vào lúc 4:10 chiều ngày 17 Tháng Ba, 2020
Sidebar